‘Sống mòn’ trong những chung cư chờ cải tạo

Tags


Chưa có nội dung nào để hiển thị ở đây.

Hà Nội 8 năm trước, căn hộ 30 m2 của ông Nguyễn Văn Thu ở tập thể C8 Giảng Võ bị đánh giá nguy hiểm, cần di dân khẩn cấp, nhưng ông vẫn bám trụ.

Ông Thu được bố trí căn hộ 30 m2 ở tầng 3 đơn nguyên 3 tập thể C8 Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, từ năm 1983. Hơn chục năm sau, căn hộ được nhà nước thanh lý, hiện là nơi sinh sống của chị gái, vợ và hai con ông.

Ngoài 2 phòng ngủ rộng mỗi phòng chừng 10 m2, không gian sinh hoạt chính của gia đình là phòng khách chỉ 8 m2, đặt tủ, bàn thờ, tivi, bàn học, hai chiếc ghế gỗ, dàn máy khâu. Tất cả đồ đạc kê sát các bức tường, tạo khoảng trống ở giữa làm chỗ trải chiếu ăn uống. Chuyện học hành, công việc may vá của vợ con ông Thu đều diễn ra trong không gian này.

Phòng khách rộng chừng 8 m2 là không gian sinh hoạt, học tập, làm việc của gia đình ông Nguyễn Văn Thu. Ảnh: Phạm Chiểu
Phòng khách rộng chừng 8 m2 là không gian sinh hoạt, học tập, làm việc của gia đình ông Nguyễn Văn Thu. Ảnh: Phạm Chiểu

Ở lối vào nhà, ông Thu đặt máy giặt, bếp từ, bồn rửa bát, khay đựng bát đĩa… nên chỉ còn khoảng 70 cm, hai người lớn phải né nhau. Các bức tường trong nhà ẩm mốc, có chỗ rêu xanh. Nhiều năm nay, mỗi khi mua bán thêm đồ vật gì cả gia đình phải tính toán xem kê ở đâu, thay thế vật dụng gì. Vợ chồng ông rất ngại mời bà con, bạn bè tới chơi vì “tiếng ở thủ đô mà nhà quá xập xệ”.

Nhà chật, gia đình ông Thu cũng như cư dân xung quanh thường ra hành lang hóng mát. Tuy nhiên, gần đây họ cũng hạn chế vì hành lang mốc xanh mốc đỏ, xuất hiện nhiều vết nứt, tới mức từ sàn tầng 3 nhìn thấy hành lang tầng 2. Chính quyền phải vá víu bằng những thanh sắt to bản đan chéo nhau. Cầu thang lên xuống cũng có những thang sắt đan chéo chống đỡ.

Tập thể C8 Giảng Võ được xây dựng năm 1979, gồm những dãy nhà 5 tầng. Mỗi căn khoảng 30 m2, một số gia đình trổ thêm “chuồng cọp” để tăng diện tích sử dụng. Năm 2013, Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội kiểm định chất lượng nhà C8 (đơn nguyên 3), đánh giá mức độ nguy hiểm cấp D, tức khả năng chịu lực của kết cấu không thể đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường, xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, cần di dời ngay toàn bộ dân.

Lối đi vào căn hộ của ông Thu chật hẹp, do đặt cả máy giặt, bếp, bồn rửa bát... Ảnh: Phạm Chiểu
Lối đi vào căn hộ của ông Thu chật hẹp, do đặt cả máy giặt, bếp, bồn rửa bát… Ảnh: Phạm Chiểu

Tháng 8/2014, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu tổ chức di dời các hộ dân sinh sống tại đơn nguyên 3 nhà C8 trong tháng 9. Người dân được chuyển tới sống tạm thời ở những chung cư ở Trung Hòa, quận Cầu Giấy và được hỗ trợ 6 triệu đồng mỗi tháng. Chủ nhà đi, căn hộ cũ được khóa chặt, che tôn phía ngoài.

Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, đến tháng 7/2021, vẫn còn 18/36 hộ ở đơn nguyên 3 nhà C8 chưa di dời và gia đình ông Thu là một trong số đó. “Nếu nói không sợ cũng không đúng, nhưng sang chỗ ở tạm rất bất tiện. Mọi giấy tờ vẫn phải phụ thuộc ở chỗ này, từ con cái đi học, lĩnh lương hưu… Hơn nữa, chúng tôi muốn được xây nhà mới sớm, bây giờ chuyển đi thì không biết tới bao giờ, 10 hay 15 năm nữa ai dám chắc”, ông Thu giải thích.

Năm 2016, cư dân C8 có cuộc họp với chính quyền. Gần 90% người dân đồng thuận về chủ trương xây mới chung cư, nhà thầu cũng được chỉ định. Với 30 m2 nhà hiện có, nhân thêm hệ số 1,9, khi chung cư được xây mới, ông Thu nhẩm tính gia đình sẽ có căn hộ gần 60 m2. Cuộc sống sẽ “dễ thở hơn, con cái có thể tự tin mời bạn đến nhà chơi”.

Nhưng đến nay mọi thứ vẫn nằm trên giấy. Nhà quá xuống cấp, ông Thu chẳng muốn sửa sang, chấp nhận cuộc sống tạm bợ vì lo mua đồ mới, khi khu nhà được cải tạo lại phải chuyển đồ bất tiện. “Chúng tôi sẽ không rời đi cho đến khi nào nhìn thấy đơn vị thi công mang máy móc tới”, ông Thu quả quyết nói.

Hành lang đơn nguyên C8 Giảng Võ ẩm mốc, xuất hiện nhiều vết nứt. Ảnh: Phạm Chiểu
Hành lang đơn nguyên C8 Giảng Võ ẩm mốc, xuất hiện nhiều vết nứt. Ảnh: Phạm Chiểu

Từng sống ở nhà C8 Giảng Võ, năm 2016 gia đình chị Nguyễn Thị Ngân đã chuyển tới nơi tạm cư, nhưng được 5 tháng lại trở về. Lý do chỗ ở mới khá thoải mái, song hai con phải đi học xa, đưa đón vất vả. Căn hộ của gia đình đã được khóa chặt và quây tôn, không thể vào nhà cũ, chị thuê nhà trọ gần đó để ở.

“Tôi bán nước ngay trước cửa nhà cũ coi như là trông nhà”, chị Ngân nói và cho hay căn hộ của gia đình chỉ rộng 18 m2 nên khi thành phố có chủ trương cải tạo chung cư, chị không mặn mà. “Chủ trương xây mới mỗi căn hộ rộng khoảng 70 m2, nếu tôi muốn mua sẽ phải bỏ thêm rất nhiều tiền. Bán hàng nước như tôi đến cơm ăn còn khó nói gì tới mua nhà”, chị chia sẻ.

Cách nhà C8 Giảng Võ khoảng 5 km, tập thể H1 Nguyễn Công Trứ, ở phố Huế, quận Hai Bà Trưng, được xây từ những năm 1960 nay đã xập xệ. Mỗi khi mưa lớn, nước từ tầng cao nhất (tầng 4) chảy xuống tầng 1. Bên ngoài, lớp vữa bong tróc từng mảng lớn, cây cỏ mọc che cả những ô cửa nhỏ vốn để lấy ánh sáng.

Nhà chị Lê Thị Thúy sống ở tầng 4 tập thể H1, mở cửa ra là thấy cả mảng trần ngoài hành lang vỡ toác, để lộ phần mái ngói cũng bị vỡ, mưa nắng đều hứng trọn. “Tôi cũng như mấy chục gia đình ở tập thể H1 đã phải sống trong sợ hãi, lúc nào cũng lo sập nhà”, chị Thúy nói.

Chung cư H1 Nguyễn Công Trứ (Phố Huế, quận Hai Bà Trưng) bị sụt cả mảng trần, ngói vỡ. Ảnh: Phạm Chiểu.
Chung cư H1 Nguyễn Công Trứ, phố Huế, quận Hai Bà Trưng, bị sụt cả mảng trần, ngói vỡ. Ảnh: Phạm Chiểu

Không chỉ ông Thu, chị Ngân, chị Thúy, khoảng 250.000 người dân Hà Nội đang sống trong 1.579 nhà chung cư cũ xuống cấp. Theo Sở Xây dựng, ngoài nhà C8 Giảng Võ, 5 chung cư cấp độ D nguy cơ sụp đổ vẫn còn người dân sinh sống. Cụ thể nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng còn 4 hộ; tập thể Bộ Tư pháp (đơn nguyên 1, 3) còn 2 hộ; nhà A phường Ngọc Khánh (đơn nguyên 1) còn 20 hộ; nhà G6 phường Thành Công (đơn nguyên 1, 2) 28 hộ; nhà 148-150 Sơn Tây còn 3 hộ.

Các chung cư trên được xây dựng từ năm 1960 đến 1999, số ít trước 1954, cao từ 3 đến 6 tầng, diện tích dưới 30 m2. Do được đưa vào sử dụng đã lâu, nhiều chung cư xuống cấp nghiêm trọng, ngập úng, không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, không có diện tích dành cho đỗ xe…

Việc cải tạo được Hà Nội đặt ra từ hơn 20 năm trước, mục tiêu đến năm 2015 sẽ “xóa” toàn bộ. Tuy nhiên, đến nay mới có 19 chung cư cũ được cải tạo và đưa vào sử dụng; 14 dự án đang triển khai.

Để thúc tiến độ, năm 5 trước thành phố thí điểm xã hội hóa quy hoạch chung cư cũ. 19 nhà đầu tư đã đăng ký nghiên cứu cải tạo 30 khu chung cư. Nhưng đến nay, tiến độ mới dừng ở các bản báo cáo lần 1, lần 2. 3 khu chung cư nhà đầu tư đã xin rút là khu Tân Mai, Đường sắt và Xí nghiệp xây lắp 24.

Tại hội thảo về cải tạo chung cư cũ do Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật TP Hà Nội tổ chức tháng 4/2021, nhiều đại biểu thốt lên đã dự không biết bao nhiêu cuộc họp về cải tạo chung cư cũ nhưng hầu như chưa thấy chuyển biến gì đáng kể. GS Đặng Hùng Võ cho rằng nếu tiến độ như hiện nay, sau khi hoàn thành cải tạo số chung cư cũ đã thống kê, Hà Nội lại phải cải tạo những chung cư mới, khi đó đã trở thành cũ.

Gần đây nhất ngày 23/9/2021, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết về đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Giai đoạn 2021-2025, thành phố lên kế hoạch cải tạo 10 khu chung cư cũ, bao gồm 4 khu nhà cấp D có nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp người dân là Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư Pháp; và 6 khu có tính khả thi để cải tạo là Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân.

Thấy chung cũ của mình có tên trong danh sách được cải tạo, ông Thu lại hy vọng “dự án không rơi vào bế tắc như những lần trước”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *